Các loại tằm Dâu_tằm_tơ

Có bốn loại tơ tằm tự nhiên, loại sản xuất nhiều chiếm 95% sản lượng trên thế giới đó là tơ của tằm dâu và mục tiêu chính của tơ là tơ tằm dâu. Ngoài ra còn có loại khác đó là tơ tằm thầu dầu lá sắn, tơ tằm tạc, tơ tằm sồi.

Tằm dâu được con người khai thác trên 4.000 năm, tất cả các giống được nuôi hiện nay thuộc loài Bombyx mori L, nó được phân ra từ gốc tằm Mandarina có tên khoa học Bombyx mandarina (Moore).

Tằm dâu sau này được phân chia và xác định giống có nguồn gốc: Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Ấn Độ trên cơ sở phân bố địa lý hoặc gọi theo tính hệ như: độc hệ, lưỡng hệ, đa hệ hoặc gọi giống thuần chủng, giống lai (lai đơn, lai kép).

Tằm thầu dầu lá sắn có 2 loài Philosamia niconi (Hutt) hoặc Philosamia cynthia (Drury) thuộc loại tằm nhỏ ăn lá thầu dầu và lá sắn. Nó tạo ra tơ thô, kén không thích hợp cho ươm tơ, do đó nó thường được dùng để nấu và kéo sợi.

Tằm tạc thuộc loại tằm dại có nhiều giống:[cần dẫn nguồn]

  • Tằm tạc Trung Quốc: Antheraea pernyi có sản lượng lớn trên thế giới.
  • Tằm tạc Tasa: Antheraea mylitta (Dury).
  • Tằm tạc Nhật Bản: Antheraea yamamai (Querin) cho tơ xanh.
  • Tằm tạc Ấn Độ: Antheraea assamensis, ăn lá cây tạc (Terminalia) và một số cây tạc khác, giống tằm độc hệ hoặc lưỡng hệ kén có thể ươm tơ giống như tằm dâu. Có tầm quan trọng thứ 2 thế giới

Tằm dâu (Bombyx mori-Linnaeus) là loài côn trùng biến thái hoàn toàn, vòng đời trải qua 4 giai đoạn phát dục khác nhau: trứng, tằm, nhộng, ngài. Mỗi giai đoạn phát dục đều có một vai trò quan trọng trong đời sống con tằm.

  • Giai đoạn tằm: là giai đoạn ăn lá dâu để tích luỹ dinh dưỡng, cơ thể tằm trong giai đoạn này lớn lên rất nhanh, tằm sắp chín (đủ dinh dưỡng) lớn gấp 8.000-10.000 lần so với tằm mới nở.
  • Giai đoạn ngài: là giai đoạn trưởng thành con đực và con cái tìm nhau để giao phối và ngài cái đẻ trứng.
  • Giai đoạn trứng: đối với trứng tằm đa hệ thì sau khi con cái đẻ trứng 8-10 ngày, ở 25 °C trứng sẽ nở thành tằm con. Đối với trứng tằm lưỡng hệ và độc hệ thì sau khi đẻ trứng đi vào trạng thái ngủ nghỉ và bắt buộc trứng phải qua lạnh. Vì đây là đặc tính di truyền của tằm lưỡng hệđộc hệ được hình thành trong điều kiện giá lạnh của vùng ôn đới, sau 4-5 tháng lạnh của mùa đông thì trạng thái ngủ nghỉ (hay còn được gọi là hưu miên) bị phá vỡ và trứng được nở ra tằm con. Người ta đã lợi dụng đặc tính này của trứng tằm để bảo trứng lâu dài. Đi với nó là các phương pháp đánh thức ngủ nghỉ bằng các biện pháp nhân tạo.

Đặc điểm trứng tằm: hình bầu dục, nhỏ, dẹt, bên ngoài có vỏ cứng, tuỳ theo giống mà trứng có hình dạng khác nhau, trứng tằm độc hệ lớn nhất, sau đến là trứng lưỡng hệ, trứng tằm đa hệ là bé nhất, trứng có màu trắng sữa hoặc hơi vàng, trên mặt trứng có nhiều lỗ khí.